Sáng ngày 31.5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam triển khai hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19 đợt thứ 4 trên địa bàn tỉnh và định hướng triển khai Nhiệm vụ trong thời gian đến. Tham dự có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan. Đồng chí Phan Việt Cường - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Phan Việt Cường - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã báo cáo tổng kết công tác phòng chống dịch đợt 4. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 49.268 ca bệnh, trong đó, có 45.413 ca khỏi bệnh, 189 ca tử vong. Số mắc COVID-19 được chia làm 4 giai đoạn, riêng trong đợt 4 tính từ ngày 27/4/2021 ghi nhận 49.150 ca bệnh. Giai đoạn này, dịch COVID-19 đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và xâm nhập sâu vào cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.Để phòng chống dịch hiệu quả, Quảng Nam đã duy trì áp dụng triệt để 5 nguyên tắc: “ngăn chặn - phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch và điều trị hiệu quả”. Tăng cường công tác giám sát và lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Từ ngày 1/11/2021 đến nay, Quảng Nam thực hiện đồng bộ công thức: “5K+ vắc xin, thuốc đặc hiệu + biện pháp điều trị + công nghệ + ý thức nhân dân + các biện pháp khác. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với nhân dân công tác phòng chống dịch đợt 4 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: thực hiện cách ly tập trung cho 84.271 người, cách ly tại nhà là 153.335 người, thực hiện lấy 701.248 mẫu xét nghiệm, tổng số bệnh nhân ra viện là 30.898 trường hợp, tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên là 1.104.298 người, tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi là 133.495 người, tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 161.254 người,…
Tuy nhiên công tác phòng chống dịch đợt 4 vẫn còn nhiều khó khăn: công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi còn lúng túng, chưa thống nhất; người dân khó khăn khi tiếp cận với dịch vụ y tế khi dịch bùng phát trên diện rộng dẫn đến tình trạng quá tải, mất an toàn; sinh phẩm xét nghiệm dư thừa; thuốc điều trị COVID-19 tồn đọng. Do vậy, thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục thực hiện đẩy mạnh toàn dân phát triển kinh tế xã hội và phòng chống dịch; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”; phát động phong trào :chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,…