Theo chuyên gia Y tế, 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó, có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: A(H5N1), SARS, Dại, Than, dịch Hạch, Ký sinh trùng…. Tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên là: Cúm gia cầm độc lực cao, Dại, Than, Liên cầu lợn và Xoắn khuẩn vàng da (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16). Trong những năm qua, bệnh Cúm gia cầm và bệnh Dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó, bệnh Dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.
Bệnh Dại và Cúm gia cầm có xu hướng gia tăng
Trong năm 2023, tình hình bệnh Dại trên người có xu hướng gia tăng, 30/63 tỉnh thành, phố ghi nhận ca bệnh Dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8. Khu vực miền Bắc có ca bệnh Dại cao nhất (37,8%), miền Nam và Tây Nguyên gia tăng ca bệnh Dại liên tiếp trong những năm gần đây (24,4%), miền Trung (13,4%). Tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh Dại chiếm 34%. Từ ngày 01/01 - 25/3/2024 cả nước ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố; số chó, mèo mắc bệnh 86 con; số chó, mèo chết và tiêu hủy 192 con, 16/63 tỉnh có ca bệnh Dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh Dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất cả nước (09 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca).
Dịch cúm A(H5N1) ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là 1 trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất vào năm (2004 - 2009), ghi nhận 112 trường hợp bệnh, trong đó, có 57 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 06 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 06 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 9 nghìn con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, phát hiện 5 người nhiễm CGC A/H5N1, trong đó, ngày 23/3/2024 ghi nhận 1 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa.
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng chỉ ra nhiều khó khăn thách thức trong công tác phòng, chống: dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát từ các ổ chứa tự nhiên. Nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành Y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Tuy nhiên, sự phối hợp liên ngành không đồng bộ, một số địa phương còn hạn chế. Y tế dự phòng, Y tế cơ sở có nhiều hạn chế, thu nhập thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực phòng, chống dịch các tuyến mỏng và yếu đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi. Kinh phí phòng chống dịch bệnh hạn chế, chủ yếu tập trung vào công tác giám sát và xử lý ổ dịch. Người dân e ngại việc tiêm vắc xin phòng Dại có nhiều tác dụng phụ mà tìm đến các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận, dẫn đến tử vong. Giá vắc xin Dại tương đối cao (1,2 - 1,5 triệu/liệu trình) gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Công tác truyền thông còn hạn chế do thiếu ngân sách và nhân lực, thêm vào đó, nhận thức người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh còn hạn chế dẫn đến chủ quan, lơ là trong điều trị sau khi bị chó, mèo cắn. Đặc biệt, trẻ em khi bị chó, mèo cắn thường không nói với gia đình. Tỉ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người. Công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người,...
Cán bộ y tế CDC Quảng Nam đang thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Dại cho người dânCác giải pháp được đưa ra
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, hai thập kỷ qua, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Phần lớn trong số đó là bệnh lây truyền từ động vật sang người như: dịch Hạch, SARS, Cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch Cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại như: bệnh Cúm gia cầm sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc Cúm gia cầm trên người, nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong do Cúm gia cầm (tháng 3/2024).
Năm 2013, sự phối hợp liên ngành Y tế - Thú y đã có một bước tiến mới thông qua việc ban hành và thực hiện Thông tư Liên tịch Y tế - Nông nghiệp số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 về hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, phức tạp. Có thể thấy, nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật, thế nên việc phòng, chống và kiểm soát những bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, quyết liệt, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền của từng địa phương,…
Tại hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Y tế Dự phòng, Cục Thú Y, UBND các tỉnh/ thành phố, các sở, ban, ngành liên quan tại các điểm cầu trên cả nước cũng tham gia thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp tích cực để phòng chống bệnh lây từ động vật sang người trước tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng như hiện nay.
Trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nâng cao năng lực phòng chống dịch các tuyến; tăng cường kiểm tra, giám sát; thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật; đẩy mạng truyền thông nguy cơ, truyền thông đại chúng; đa dạng hóa các kênh truyền thông, chú trọng truyền thông cho các dân tộc thiểu số, truyền thông cho trẻ em, truyền thông về sự an toàn và hiệu quả của Vắc xin; theo dõi tình hình dịch, giám sát phát hiện sớm các ca mắc, chia sẻ thông tin sớm với các bên liên quan để có biện pháp đáp ứng và phối hợp kịp thời và hiệu quả; tăng cường sự phối hợp liên ngành, không chỉ giữa y tế và thú y; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và huy động sự tham gia tham gia của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng, xã hội; tháo gỡ khó khăn trong việc nhập và kiểm định vắc xin nhằm đảm bảo đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người dân; xem xét hỗ trợ miễn phí vắc xin cho người nghèo, dân tộc thiểu số; huy động các nguồn kinh phí phòng chống bệnh Dại khác bên cạnh ngân sách nhà nước, ví dụ như lĩnh vực tư nhân; các tỉnh, thành phố chú trọng bổ sung kinh phí phòng, chống dại cho cả 2 ngành; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch,...